25.6.09

Link download bộ tạp chí Thanh Nghị

Một nhóm trí thức Việt Nam và những vấn đề của đất nước họ: Tạp chí Thanh Nghị (1941-1945)

Pierre Brocheux

Thời kỳ Chiến tranh Thế giới II, trong số những báo chí, tạp chí xuất bản về những vấn đề văn hóa và chính trị, có hai tờ được nhiều người biết đến là TRI TÂN và THANH NGHỊ. Mỗi tờ có xu hướng riêng biệt của mình: tờ thứ nhất thiên về văn học, lịch sử và nhân chủng học; tờ thứ hai đã cố gắng bám sát những vấn đề thời sự. Vào thời điểm quyết định của lịch sử Việt Nam lúc đó, những người trí thức Việt Nam rất nhạy bén với những điều thuận lợi đến với đất nước, những điều mà dư luận Việt Nam gọi là cơ hội hay thời cơ.

Một tạp chí như tờ Thanh Nghị là một nguồn tài liệu phong phú ít nhất để xem xét về hai mặt: nó chứa đựng những dữ kiện, những thống kê, những bằng chứng thu nhập được trong những tìm tòi gọi là điều tra nhỏ, nhận xét, tài liệu. Tất cả những thông tin đó đã được tận dụng trong những cuốn sách như của Trần Huy Liệu và Nguyễn Khắc Đạm.

Sự quan tâm của chúng tôi tập trung vào hướng đó ít hơn là vào một khía cạnh khác biểu hiện bằng những bài khảo luận, những ý kiến riêng về những bài tranh luận. Về phương diện đó, Thanh Nghị như là một tấm gương phản chiếu văn hóa, một công cụ để diễn đạt những mối băn khoăn, những khát vọng, những yêu sách của một số khá đông trí thức (và của nhiều người khác). Từ năm 1994 trở về sau, số lượng được phát hành chính thức là 3.000 bản, đó là một số lượng lớn đối với xã hội Việt Nam lúc đó, nếu chúng ta không quên rằng tờ báo chỉ lưu hành hạn chế ở phía Bắc và ở các thành thị của đất nước.

Những ý kiến, những đề án của những người viết trong tờ tạp chí, tự thân nó đều nghiêm chỉnh, đáng kính; nhưng điều hấp dẫn chúng tôi là những hiệu quả thiết thực và những tầm cỡ của những gì viết trong Thanh Nghị (khía cạnh thứ hai này là điều thích thú nhất đối với chúng tôi).

Trong bối cảnh đó, một sử gia không thể không đặt dấu hỏi về mối quan hệ giữa một bên là những người biên tập và bên kia là Đảng cộng sản Đông Dương (ĐCSĐD). Cách mạng tháng 8 năm 1945, ngày nay được coi là một cuộc quật khởi dân tộc nhưng mà, đồng thời, đó là, ở thế kỷ XX này, thắng lợi thứ hai của một Đảng Cộng sản giành và nắm chính quyền trên thế giới. Vì lẽ một Đảng Cộng sản là không giống bất cứ một chính đảng nào khác, vì rằng nó không bỏ qua bất cứ một hoạt động xã hội nào, nó không thể coi nhẹ « mặt trận đấu tranh khoa học và văn hóa ». Hơn nữa, trong trường hợp nghiên cứu ở đây, ĐCSĐD đang để hết tâm trí vào chiến lược giải phóng dân tộc, có nghĩa là khôi phục bản sắc văn hóa của mình.

ĐCSĐD đã không quên trách nhiệm của mình: năm 1943, Tổng bí thư Trường Chinh đã viết bản « Đề cương văn hóa Việt Nam », đây là lời kêu gọi các nhà trí thức và nghệ sĩ tập hợp nhau lại trong « Văn hóa cứu quốc hội » để đề ra « một nền văn hóa dân tộc, khoa học, đại chúng ». Trường Chinh chú ý chặt chẽ đến các trí thức và nghệ thuật tại Hà Nội; một trong những cộng sự thân cận của ông là Trần Độ báo cáo cặn kẽ và đều đặn tình hình cho ông Trường Chinh cho ý kiến về những quyển sách vừa được phát hành, về những cuộc triển lãm và các công trình nghệ thuật được thực hiện. Cậu thanh niên Trần Độ bắt đầu làm cái công việc gần giống như « một người thầy » đối với các nhà văn:

« Từ ngày còn là một cậu học sinh tôi đã biết tiếng của các nhà văn ấy: Năm 1938-1939, khi còn đi học, bắt đầu giác ngộ cách mạng, tôi đã gặp gỡ anh Như Phong ở Hà Nội. Tôi tập viết những mẩu tả cảnh, dịch truyện ngắn v.v... đem tới nhờ anh sửa. Tôi biết anh Nguyễn Đình Thi đã viết sách nghiên cứu về triết học... Tôi suy nghĩ, lo lắng tới tác phong thái độ của mình phải như thế nào cho đúng mực khi gặp các anh ấy. Thật là một chuyện khó nghĩ: trước là học trò, bây giờ lại giải thích cho thầy! »

Phải chăng cuộc hành trình trí thức và chính trị của những người biên tập và cộng sự của Thanh Nghị đã tiến triển song song với những sáng kiến do những người cộng sản đề xướng trong lĩnh vực văn hóa? Phải chăng đã có một sự hòa hợp không những vì là kết quả của những mối tương đồng về mặt tư tưởng mà còn vì có sự gắn bó về tổ chức 60? Phải chăng từ đó ta đi tới chấp nhận ý kiến của Durand và Nguyễn Trần Huân, khá ngược

đời như sau:

« Trong quá trình thời gian, những người lãnh đạo của nhóm đã rơi vào lý thuyết (suông) và xa rời quần chúng. Hơn nữa, vào năm 1945, trước ngày Nhật đảo chính cho đến ngày thành lập Nội các Trần Trọng Kim, nhóm đã bị Đảng Cộng sản Việt Nam xâm nhập rồi? »

Đây là một vấn đề quan trọng ngay cả nếu đó là một điều được thốt ra một cách không chín chắn và có lẽ nhằm làm lạc hướng; phải chăng Thanh Nghị từ khi ra đời đến suốt cả thời gian tồn tại, chỉ là công cụ của ĐCSĐD, để họ « lật đổ về tư tưởng »? Một người bạn đã lát đường cho ĐCSĐD hay là... một cái gì khác, hoàn toàn xa lạ với những người cộng sản.

Xin nói ngay đó chính là cái trục của bản phân tích Thanh Nghị của chúng tôi.

*

Việc nghiên cứu của chúng tôi căn cứ trên tập Thanh Nghị mà Thư viện Quốc gia đang có tại Versailles. Có thể tóm tắt như sau: có hai bản của một tờ Tạp chí mang tên Thanh Nghị (Saine opinion : nghị luận trong trẻo).

Bản thứ nhất THANH NGHỊ BÁO do Doãn Kế Thiện sáng lập năm 1939 (số đầu ra hàng tuần, đề ngày 27-10-1939). Nó khởi động khó khăn. Số 2 (ra ngày 20-4-1940) có 500 bản lấy tiêu đề “Tạp chí văn chương – chính trị và kinh tế”. Thư viện Quốc gia (nước Pháp B.T) còn giữ được một tập “thanh nghị tuần báo”; Doãn Kế Thiện vẫn còn được ghi là sáng lập viên, nhưng từ đây về sau – chủ nhiệm là Vũ Đình Hòe - thế là xu hướng thiên hẳn về lý luận khoa học (nghị luận, văn chương, khảo cứu). Số phát hành ngày 25-4-1941 (số cổ động), mang tính liên tục về một chủ đề trong những năm sau: vấn đề giáo dục. Trang đầu của số báo đã trưng to tít lớn: “Một nền giáo dục nhi đồng” với một tít nhỏ “Để rèn luyện ý chí”.

Từ tháng 6-1941 đến tháng 2-1942, tạp chí Thanh Nghị phần nghị luận – VĐH được xuất bản hàng tháng (11 số), thế rồi từ số 12 ra ngày 1-5-1942 cho đến số 23 nó xuất bản 2 tuần một lần. Tập có ở Thư viện Quốc gia thiếu 4 số (cuối tháng 11 và 12-1942). Số ra ngày 1-12-1942 có 2.000 bản; trong năm 1944, Thanh Nghị ra hàng tuần với 3.000 bản. Đối với năm 1944, tập của Thư viện Quốc gia có 15 số, từ ngày 3-3 đến 11-8, có vài lúc gián đoạn do phát hành không đều hoặc bị thất lạc.

Tờ báo có một Ban biên tập gồm những luật gia: Vũ Đình Hòe, Phan Anh, Đinh Gia Trinh, Đỗ Đức Dục, Dương Đức Hiền, Vũ Văn Hiền; còn có một kỹ sư nông học Nghiêm Xuân Yêm, nhà toán học kiêm sử học nổi tiếng Hoàng Xuân Hãn, nhà bách khoa Đào Duy Anh, và cả Nguyễn Văn Tố, một nhà nghiên cứu, một học giả cộng tác viên của Trường Viễn Đông Bác cổ Pháp; ông này là linh hồn của tờ Tri Tân. Người cuối cùng, nhưng không phải là người ít quan trọng nhất là Đặng Thai Mai, người đã có uy tín lớn trong giới sử học và phê bình văn học.

Vì thế những người tham gia thường xuyên hoặc thỉnh thoảng viết báo Thanh Nghị họp thành một nhóm khá cân đối vì đó là những người mà do nghề nghiệp vốn đã hướng họ vào công cuộc tổ chức xã hội, vào những vấn đề kinh tế và giáo dục, cộng tác với một số khác chuyên quan tâm đến các cuộc tranh luận về tư tưởng và chuyên nghiên cứu học thuyết này, học thuyết khác. Từ năm 1943 về sau, những vấn đề hay xuất hiện nhất là những chuyện thời sự và những vụ việc thường ngày. Năm 1944, xu hướng đó được nhấn mạnh hơn nữa và đã đạt được đỉnh cao vào năm 1945, khi những vấn đề cấp bách của xã hội và chính trị chiếm vị trí số 1 của tờ báo. Hơn thế nữa, ngày 5 tháng 5, Thanh Nghị ra thông báo về việc thành lập “TÂN VIỆT NAM HỘI”, một hiệp hội hình như đang có nguyện vọng khát khao và liên kết các lực lượng dân tộc. Sau này, một số cộng tác viên khác đã thành lập ra DÂN CHỦ ĐẢNG - Đảng này đã gia nhập VIỆT MINH.

*

Sự diễn biến của các chủ đề chính phù hợp với những thay đổi của tình hình bên trong cũng như bên ngoài của Đông Dương trong thời kỳ Chiến tranh Thế Giới II. Vì thế trước khi phân tích các chủ đề của tờ báo cần có một cách nhìn bao quát thời kỳ 1940-1945.

Người Nhật Bản vào Đông Dương đã làm tan vỡ cuộc chung sống kéo dài trên nửa thế kỷ giữa các dân tộc Đông Dương với những người Pháp thống trị họ. Nó đặt ra một chế độ có tính chất một sự phân quyền giữa những người theo Chính phủ Vichy và Nhật Bản nhiều hơn là một sự cộng quản thực sự giữa hai nhà nước. Nó đã tạo ra một tình hình phức tạp với nhiều sự nhập nhằng khó hiểu. Mỗi bên đều đã cố gắng tận dụng hết cỡ trò chơi tay ba này. Người Nhật đã hứa giải phóng các dân tộc châu Á khỏi sự cùm kẹp của bọn phương Tây, nhưng đồng thời họ cần đến công việc điều hành hành chính và cảnh sát của người Pháp để bảo đảm nền kinh tế và duy trì trật tự. Đô đốc Decoux đã chơi một trò chặt chẽ khít khao để cứu vãn quyền hành của người Pháp đến mức tối đa mà ông ta có thể làm được. Tình hình mọi mối quan hệ vật chất giữa Đông Dương và nước Pháp bị đứt hẳn, bản thân nước Pháp cũng bị Đức chiếm đóng, bắt buộc bọn thực dân Pháp phải tồn tại với bất kỳ cái gì có thể tìm và sử dụng được tại chỗ và cai trị lấy dân của mình. Các công việc cai trị đã bắt buộc Decoux tuyển dụng nhiều công chức người Đông Dương hơn, trong khi đó ông cố gắng đề cao uy tín chủ quyền của người Đông Dương và ưu đãi những người gọi là tinh hoa của đất nước, nghĩa là bọn có danh vọng và uy quyền. Nhu cầu và học thuyết của phái Vichy kết hợp với nhau để nhấn mạnh chủ nghĩa gia trưởng, chủ nghĩa bảo thủ và tôn ti trật tự xã hội, nhưng cũng quan tâm nhiều hơn đến thanh niên. Thanh niên được coi là nền tảng và niềm hy vọng của cuộc cách mạng dân tộc Pháp; thanh niên phải được giáo dục trong tinh thần “danh dự”, nghĩa vụ và sự phục tùng. Mục tiêu trước mắt của việc giáo dục đó là sự sùng bái Thống chế Pétain và lòng trung thành với nước Pháp. Để đạt mục đích đó, người ta tổ chức thanh niên Đông Dương vào các hội, đoàn, các phong trào trào thể thao và ngay cả các tổ chức (để làm các việc đó tổ chức hướng đạo sinh (Scout) của Baden Powell đã được lập ra trong cuộc chiến tranh chống Boer). 600.000 thanh niên đã được đưa vào các tổ chức trong các phong trào khác nhau ở Đông Dương: đã có 100 Scouts năm 1930, 11.000 năm 1944. Các cuộc cắm trại hàng năm hay hàng mùa được tổ chức ở Tam Đảo (Bắc Kỳ) và ở suối Lồ Ô (Nam Kỳ); các cán bộ thanh niên và huấn luyện viên thể dục được đào tạo tại trường Phan Thiết (Trung Kỳ).

Từ năm 1943 về sau, quan hệ giữa Pháp và Nhật trở nên ngày càng căng thẳng, và họ tự phá hoại nhau, do những thất bại của Nhật và do Nhật ủng hộ ngày càng nhiều cho các nhóm quốc gia của người Việt Nam như Việt Nam Phục quốc Đồng minh hội, Đại Việt giáo phái Hoà Hảo.

Về mặt khác, ĐCSĐD bị đàn áp nặng nề khắc nghiệt vào năm 1940 về phần nào bị các chiến thắng lúc đầu của phe Trục làm mất tinh thần, lúc này đang khôi phục đất đã mất. Bản “Đề cương văn hoá” bổ sung thêm vào các tiến bộ của các lực lượng du kích ở Việt Bắc.

Những người yêu nước Việt Nam mở rộng được phạm vi vận động; các cơ hội để trình bày quan điểm và tổ chức hoạt động của họ trở nên nhiều hơn trước. Kể từ năm 1943 có thể tận dụng được sự căng thẳng ngày càng tăng giữa Pháp và Nhật. Tất nhiên Pháp đã rất cảnh giác với các người hoạt động chính trị Việt Nam, nhưng các nhà cầm quyền Pháp ngày càng thấy lợi ích của họ trong việc để cho các hoạt động văn hoá phát triển đủ mức để dùng nó ngăn chặn tuyên truyền của Nhật mở rộng khu thịnh vượng chung của thuyết Đại Đông Á. Kết quả là một phong trào văn hoá rộng khắp đạt sức mạnh đến mức làm cho người Pháp không thể ngăn chặn hoặc kiểm soát được nữa. Dù sao phạm vi vẫn còn hẹp. Các tác giả V.N không thể tính đến việc người Pháp kiểm duyệt báo và sách. Hoàn cảnh chiến tranh đã cho phép chính phủ Pháp đánh một đòn vào ĐCSĐD, cũng như nó đã đối xử với Đảng Cộng sản Pháp, (trong cả hai trường hợp, dùng Sắc lệnh 29-9-1939).

Tất cả mọi sự chống đối đều bị gạt bỏ; Chính phủ Vichy hành động dứt khoát hơn, thậm chí cay độc, bất chấp đạo lý hơn người tiền nhiệm của họ như có một viên chức của họ đã nói toạc ra:

“Pháp quy năm 1939 đã mang một tính chất năng động hơn và đồng thời nó đã trở nên sắc bén hơn và cương quyết hơn. Nó gạt bỏ mọi tự do ngôn luận khi thấy cần thiết; nhưng nó làm việc đó không hề bối rối khi ra vẻ thanh minh rằng đó là yêu cầu của nền an ninh quốc gia…”.

Quả thật có kiểm duyệt: những khoảng để trắng trong nhiều bài đăng trong Thanh Nghị đủ chứng minh điều đó. Nhưng sự kiểm soát đã không phải lúc nào cũng chặt chẽ; vì nó cũng biến chuyển với thời gian; nó cũng còn tuỳ thuộc vào những con người thực hiện, điều này phụ thuộc vào việc họ được giáo dục và thông tin như thế nào, phụ thuộc vào cá tính tàn ác hay nhân hậu, và ngay cả sự lấp liếm bằng mua chuộc như có lần nhà văn Tô Hoài đã nói với chúng tôi. Bên cạnh đó, còn xảy ra những chuyện ngược đời như khi Đặng Thai Mai kêu ầm lên về sự sa sút tự do và dân chủ tư sản, thật là điều đáng ngạc nhiên, vì những nhà kiểm duyệt Vichy có thể bị điều khẳng định này làm cho choáng váng. Bản thân Trường Chinh đã thừa nhận là Đặng Thai Mai đã có thể nói lên một khái niệm mác-xít ―tuy sách báo bị kiểm duyệt gắt gao‖. Việc Nhà xuất bản Hàn Thuyên đã tồn tại và đã bị ĐCSĐD tố cáo như một nhóm Trôtkit chứng tỏ Chính phủ Pháp đã có một sự khoan nhượng tuyệt đối. Những nhà văn đã gia nhập Việt Nam hoá Cứu quốc hội cũng đã tìm được các nhà xuất bản chia sẻ niềm tin hoặc tình cảm của họ. Đó là trường hợp của Bách Việt và Đời Mới. Về phía ngược lại của cảnh tượng văn học và báo chí, 2 tờ Tin Mới và Đông Pháp nói thẳng ra rằng các thế lực của phe Trục nhất định sẽ thắng. Đời sống nghệ thuật được đấu tranh bằng những buổi biểu diễn như kịch Lôi vũ, một vở kịch hiện đại Trung Quốc của Tào Ngu, đã được Đặng Thai Mai dịch ra quốc ngữ. Vở kịch trình bày sự tan rã về mặt luân lý của một gia đình khá giả và nề nếp Trung Hoa. Nó trở thành sự kiện trong giới học thức của Hà Nội năm 1943.

Vậy là người ta có thể đặt giả thuyết là các nhà chức trách Pháp đã cho phép hay dung túng một số hoạt động làm vẻ vang nền văn hoá dân tộc Việt Nam. Xu hướng đó còn rõ ràng hơn kể từ 1943 về sau: người Pháp xử thế như vậy để chống lại người Nhật và chắc chắn họ mong chờ sự đền ơn sau này. Nhưng người Pháp chắc chắn đã không thấy trước tất cả mọi khả năng tiền tàng bao hàm trong các chính sách của họ đối với thanh niên, Văn hoá và lịch sử Việt Nam.

Trước đó khoảng 20 năm, Phan Bội Châu đã nói về chính sách “Pháp Việt đề huề”: “Không thể nào đề huề được, chỉ là tương kế tựu kế thôi”.

*

Việc Pháp – Nhật câu kết với nhau chẳng được bao lâu, Nhật bại trận trên mọi chiến trường, việc Đông Dương thuộc Pháp chuyển hướng kín đáo sang phía Chính phủ De Gaulle, không thể không thúc đẩy hai bên, trước là cùng hội, nay đối đầu với nhau. Ngày 9 tháng 3 năm 1945, lực lượng vũ trang Nhật nắm quyền hành. Tháng 4-1945, Chính phủ Nhật Bản cho các vua chúa Đông Dương được độc lập như Bảo Đại ở Việt Nam. Chắc chắn là tương lai đang đầy nguy cơ, Nội các Trần Trọng Kim không phải được sinh ra do nhân dân bầu chọn, không có được những phương tiện và những năng lực đặc trưng của chủ quyền như quân đội, tài chính … Đồng thời nạn chết đói ở Bắc Kỳ và Bắc Trung Kỳ, tình trạng vô chính phủ tràn lan, việc quân Đồng minh sắp tràn tới, một số dấu hiệu của người Pháp trở lại, tất cả đều gia tăng sự lung lay của nền độc lập vừa lấy lại được. Nhưng còn thời gian để tranh cãi học thuyết này, dự án khác cho tương lai: tình hình khẩn cấp lúc này đòi hỏi giải quyết gấp những vấn đề sống còn: Thanh Nghị biến mất vào ngày hôm trước Cách mạng tháng 8-1945.

Thế giới đang bốc cháy, đó là hình ảnh thường gặp dưới ngòi bút của các nhà văn Việt Nam và chủ yếu của Ban biên tập Thanh Nghị và những người cộng sự của họ. Tất cả nhân dân Việt Nam đều cảm thấy diễn biến của các sự kiện rất nguy kịch đối với vận mệnh của dân tộc họ. Tuy nhiên, người Việt Nam phải được chuẩn bị để chớp lấy bất cứ thời cơ nào để tự giải phóng mình: khái niệm về cơ hội hoặc thời cơ càng ngày càng chi phối sự quan tâm của công luận: “Lúc cần đến? Lúc nào? Đó là việc giời. Thời cơ là một động lực quan trọng. Vận mệnh treo ở sợi tóc ấy. Dự đoán được dịp lớn, trông thấy khi nó đến, không bỏ lỡ khi đã sửa soạn kịp, đó là việc người”. (Lời Vũ Đình Hoè).

Khả năng khai thác thời cơ tuỳ thuộc vào nhiều loại yếu tố: tình hình vật chất và tinh thần của xã hội Việt Nam, những kinh nghiệm nước ngoài có thể khêu gợi nhiều ý hay cho người Việt Nam, và cuối cùng khả năng của bản thân người Việt Nam để tự giải quyết những vấn đề của năm 1945.

(còn nữa)


Part 2
Part 3
Part 4
Part 5
Part 6

Còn nữa. Xem tiếp ở Diễn đàn Sách Xưa

Labels:

Link download đĩa Kỹ thuật của người An Nam - Henri Oger

20.6.09

Link download bộ BAVH

BAVH - là các chữ viết tắt của bộ tập san bằng tiếng Pháp với nhan đề : “Bulletin des Amis du Vieux Hué” (Tập san của những người bạn Cố đô Huế”. Trước đây tập san này có tên gọi là “Đô thành Hiếu cổ”. Bộ tạp chí này được xuất bản và lưu hành tại Việt Nam và Pháp từ năm 1914 đến năm 1944.

Linh mục, đồng thời là nhà khoa học có tiếng L. Cadière làm tổng biên tập của tạp chí. Ban biên tập của tạp chí lúc đầu gồm trên dưới 10 người gồm cả người Việt và người Pháp đảm nhiệm; về sau thì đông hơn. Số cộng tác viên [CTV] tham gia viết bài ngày càng gia tăng. Tính đến số cuối cùng của bộ tạp chí này thi số CTV lên tới hơn 140 vị, gồm các nhà nghiên cứu Pháp và Việt (trong đó Việt Nam hơn 30 người).

Toàn bộ của tạp chí BAVH này đã ấn hành được 121 tập và 1 tập danh mục. Thông thường thì mỗi năm tạp chí ra mắt bạn đọc được 4 số riêng biệt (3 tháng 1 số). Nhưng cũng có năm xuất bản ghép số.

Về hình thức của bộ tạp chí BAVH đơn giản nhưng rất trang trọng. In ấn rõ ràng. Mỗi tờ bìa đều khác nhau về hoa văn trang trí cổ xưa; bên trong tạp chí, các sơ đồ, bản đồ được ghi chú mạch lạc, cẩn thận, các tranh ảnh khá điển hình, nổi bật. Các tranh ảnh được trình bày trong BAVH hầu hết đều do các tác giả Việt Nam và Pháp thể hiện.

Về nội dung của BAVH thì rất phong phú, đa dạng –đủ các vấn đề về văn hóa nghệ thuật, giáo dục, xã hội, nhân văn, lịch sử, địa lý, dân tộc học, thương mại, môi trương, du lịch v.v…

Đọc tiếp

Link download:
Phần 1
Phần 2
Phần 3

(còn nữa)
Xem tiếp ở Diễn đàn Sách Xưa

Labels:

12.6.09

Link down bộ Tạp chí Tri Tân

LỜI GIỚI THIỆU SƯU TẬP TẠP CHÍ “TRI TÂN”

do Viện Viễn Đông bác cổ Pháp thực hiện, 2009

Lại Nguyên Ân

Trong số những cơ quan báo chí có vai trò quan trọng đối với sinh hoạt văn hoá và học thuật Việt Nam ở nửa đầu thế kỷ XX, bên cạnh những tờ như Đông Dương tạp chí (1913-19), Nam phong (1917-34), Thanh nghị (1941-45), người ta không thể không kể tới tạp chí Tri tân (1941-46).

Tri tân xuất bản số đầu tiên vào ngày 3/6/1941 và ngay từ đầu đã tự xác định là tạp chí văn hoá ra hằng tuần (revue culturelle hebdomadaire); với 24 trang khổ 20x25 cm mỗi số, sau 5 năm liên tục, Tri tân đã ra được 214 số với trên 5.000 trang (gồm 212 số “Tri tân loại cũ” từ số 1 đến số 212, ngày 22/11/1945, và 2 số “Tri tân loại mới”, đánh số lại từ số 1, ngày 6/6/1946, đến số 2, ngày 16/6/1946, trên thực tế là số cuối cùng).

Toà soạn lúc đầu đặt tại số nhà 349 Phố Huế, Hà Nội, từ 8/8/1941 chuyển tới số nhà 195 phố Hàng Bông, từ Tri tân số 100, ngày 24/6/1943 chuyển tới số nhà 95-97 phố Chanceaulme (nay là Tô Hiến Thành).

Chủ nhiệm (directeur) Tri tân là Nguyễn Tường Phượng; quản lý (administrateur gérant) là Dương Tụ Quán; từ đầu tháng 7/1943, Nguyễn Tường Phượng đảm nhiệm cả hai vai trò nói trên (directeur gérant).

Cái tên Tri tân đặt cho tạp chí này là rút từ mệnh đề của thánh hiền Nho giáo “ôn cố tri tân” (溫 故 知 新 : ôn cũ biết mới). (1)

Lời phi lộ đăng ở đầu số 1 nói rõ tôn chỉ của tạp chí này:

“Ôn cũ! Biết mới!” Nhằm cái đích ấy, TRI TÂN đi riêng con đường văn hoá. Với cặp kính khảo cứu, TRI TÂN lần dở từng trang lịch sử; bằng con mắt nhận chân và lạc quan, TRI TÂN ngó rộng chân trời tri thức. Ghé vai gánh gạch xe vôi, TRI TÂN đứng vào hàng ngũ công binh, xây dựng lâu đài văn hoá Nam Việt.”

Tuy cái tên “tri tân” hướng về sự “biết mới” nhưng hoạt động khảo cứu trên tờ tuần san này lại nghiêng nhiều hơn về sự “ôn cố” tức là ôn lại cái cũ. Xu hướng tìm về di sản dân tộc bộc lộ từ đầu và được duy trì suốt thời gian hoạt động của tạp chí này.

Ở thời hoạt động của Tri tân, báo chí chữ Việt nói chung chưa được chuyên môn hoá sâu ở mức như sau này. Bản thân định hướng khảo sát văn hoá ở Tri tân đã bao hàm một sự tự giới hạn về thể tài báo chí theo hướng chuyên môn hoá ở mức hẹp hơn, xác định hơn so với mặt bằng chung của báo chí đương thời. Tuy thế, Tri tân vẫn chưa ra khỏi khuôn khổ chung của loại tuần báo tổng hợp đương thời, mặc dù phương diện văn hoá ở đây luôn luôn được nhấn mạnh.

Trong thể tài tuần san, Tri tân hầu như dành toàn bộ tờ tạp chí cho các nội dung văn hoá với hai loại chính: 1/ đăng tải bài vở nghiên cứu, biên khảo, giới thiệu về các vấn đề văn hoá, và 2/ đăng tải các sáng tác văn thơ.

Phần đăng tải về khảo cứu văn hoá là phần hàm chứa nhiều giá trị hơn cả. Tri tân có bài vở về hầu hết các lĩnh vực sử học, dân tộc học, triết học, ngôn ngữ học, nghiên cứu và phê bình văn học, v.v… Bên cạnh các nội dung thuộc các khoa học xã hội và nhân văn nói trên, tạp chí còn đăng một số bài về khoa học tự nhiên, công nghệ.

Chính ở mảng khảo cứu văn hoá, Tri tân đã trở thành nơi quy tụ nhiều học giả tài năng và tâm huyết với di sản văn hoá Việt Nam.

Tiêu biểu về mặt này là Ứng Hoè Nguyễn Văn Tố (1889-1947), khi đó làm việc tại Học viện Viễn Đông bác cổ Pháp (đặt tại Hà Nội) đồng thời là nhà hoạt động xã hội trong các cương vị Hội trưởng hội Trí tri, Hội trưởng Hội Truyền bá quốc ngữ, đã có mặt thường xuyên trên hầu hết các số Tri tân với rất nhiều loại bài viết, nghiên cứu về lịch sử trung đại Việt Nam (mà tiêu biểu là những chuyên khảo Đại Nam dật sử, Những ông nghè triều Lê, được Tri tân đăng dài kỳ, và nhiều bài khảo cứu khác), về văn học trung đại Việt Nam (đặc biệt là chuyên khảoTài liệu để đính chính những bài văn cổ), và về nhiều vấn đề văn hoá khác.

Bên cạnh Nguyễn Văn Tố là một loạt nhà nghiên cứu thuộc thế hệ thứ hai (tính từ đầu thế kỷ XX), xuất thân tân học (từ nền học Pháp-Việt), quan tâm đến lịch sử văn hoá quá khứ của nước nhà. Họ gặp nhau trên các trang Tri tân, tạo thành hạt nhân và cơ sở cho xu hướng tìm về truyền thống với tinh thần phục hưng văn hoá dân tộc trong sự giao tiếp với văn hoá và học thuật thế giới, − một xu hướng đang mạnh dần lên trong đời sống văn hoá ở Việt Nam những năm 1940. Đó là những cây bút như Hoa Bằng Hoàng Thúc Trâm (1902-77), Tiên Đàm Nguyễn Tường Phượng (1899-1974), Chu Thiên Hoàng Minh Giám (1913-91), Trúc Khê Ngô Văn Triện (1901-47), Nhật Nham Trịnh Như Tấu (1915-47?), Hoàng Thiếu Sơn (1920-2005), Lê Thọ Xuân (1904-78), Đào Duy Anh (1904-88), Trần Huy Bá (1901-87), Đào Trọng Đủ, v.v… Với các loại bài vở nghiên cứu, biên khảo của các cây bút này, Tri tân đã phác họa lại những trang sử giành độc lập và xây dựng quốc gia tự chủ của người Việt từ thời cổ và trung đại đến cận đại, kiểm định những đóng góp của các nhân vật lịch sử. Tri tân có đóng góp đáng kể trong việc kiểm kê các nguồn thư tịch Hán Nôm liên quan đến sử học, văn học. Các vấn đề về soạn thảo văn học sử Việt Nam được đưa ra bàn luận nghiêm túc trên tạp chí này. Các khía cạnh tư liệu liên quan đến các tác giả, tác phẩm văn học Việt Nam thời trung đại đã được đề cập một cách cẩn trọng, khách quan. Tri tân, với việc đăng tải mảng khảo cứu văn hoá, chẳng những đã là nơi trưởng thành của một loạt nhà nghiên cứu, mà còn là nơi bồi dưỡng những học giả lớp sau trong số những độc giả của mình.

Bên cạnh mảng khảo cứu văn hoá quá khứ, trên Tri tân cũng có một số trang đáng kể dành cho phê bình văn học, − tức là điểm bình, nhận xét, thảo luận về các sáng tác văn học, các cuốn sách biên khảo mới xuất hiện. Về mặt này, Tri tân đã là nơi trưởng thành của một số tác gia phê bình như Lê Thanh (1913-44), Kiều Thanh Quế (1914-47?), là nơi xuất hiện những bài viết sớm của những tên tuổi mà sau đó sẽ rất nổi tiếng như Đặng Thai Mai, Hoài Thanh, Nguyễn Đình Thi, v.v…

Trên Tri tân đã có những bài phê bình nhiều tác phẩm mới ra đời, từ thơ ca (như Tiếng thu của Lưu Trọng Lư, Hương cố nhân của Nguyễn Bính, Thi văn tập của Phan Mạnh Danh); kịch bản và sân khấu kịch (như Đồng bệnh của Khái Hưng, Vân Muội của Vũ Hoàng Chương, Kinh Kha và Ông ký Cóp của Vy Huyền Đắc, Quán biên thuỳ của Thao Thao, Thế Chiến Quốc của Trần Tử Anh, Bóng giai nhân của Nguyễn Bính và Yến Lan, Ghen của Đoàn Phú Tứ), truyện và ký (như Thiếu quê hương, Vang bóng một thời, Tuỳ bút của Nguyễn Tuân, Nắng thu của Nhất Linh, Mực mài nước mắt của Lan Khai, Kinh cầu tự của Huy Cận, Quê người của Tô Hoài, Chân trời cũ của Hồ Dzếnh, Chồng con của Trần Tiêu, Ngõ hẻm của Nguyễn Đình Lạp, Nhà nho của Chu Thiên, Sợ sống của Lê Văn Trương, Bảy Hựu của Nguyên Hồng,…) đến nghiên cứu biên khảo (như Việt Nam văn học : I. Văn học đời Lý của Ngô Tất Tố,Thi nhân Việt Nam 1932-1941 của Hoài Thanh và Hoài Chân, Thi sĩ Trung Nam, Nhà văn hiện đại của Vũ Ngọc Phan, Việt Nam cổ văn học sử của Nguyễn Đổng Chi, Việt Nam văn học sử yếu của Dương Quảng Hàm, Hàn Mạc Tử của Trần Thanh Mại, Triết học Nietzsche của Nguyễn Đình Thi, Việt Nam thi ca luận của Lương Đức Thiệp, v.v…).

Trên Tri tân cũng có không ít những thảo luận về thơ, ví dụ về luật thơ, về các thể thơ, nhất là những vấn đề được đặt ra từ những cách tân của phong trào thơ mới; trênTri tân thường có những tranh luận về nhiều nội dung văn học sử Việt Nam, phác thảo diện mạo nhiều mảng văn học, trong đó, nói riêng, mảng văn học của các tác gia nữ người Việt đã là nội dung 2 số chuyên đề cuả Tri tân; trên tạp chí cũng có những thảo luận về ranh giới giữa vay mượn, phóng tác và “đạo văn” (nhân so sánh bài Tiếng thu của Lưu Trọng Lư với một bài thơ Nhật Bản, so sánh kịch Ghen của Đoàn Phú Tứ với Jalousie của S. Guitry, v.v…), những ý kiến phê phán không khoan nhượng trước những sai phạm về dịch thuật, về những khuynh hướng được xem là có hại cho công chúng.

Phần đăng sáng tác thơ văn thường không chiếm nhiều trang tạp chí Tri tân. Nét đặc sắc của mảng này ở đây có lẽ là nằm trong sự tương ứng với mảng khảo cứu “ôn cũ”: được chọn đăng Tri tân chủ yếu là các sáng tác về đề tài lịch sử. Trọn vẹn các cuốn tiểu thuyết lịch sử của Chu Thiên (Bà quận Mỹ, Thoát cung vua Mạc, Trúc mai xum họp), các tiểu thuyết và kịch lịch sử của Nguyễn Huy Tưởng (Đêm hội Long Trì, An Tư, Vũ Như Tô), một loạt kịch thơ hoặc bài thơ dài hoặc ngắn về đề tài lịch sử như Trần Can, Lý Chiêu Hoàng, Phạm Thái của Phan Khắc Khoan, Hát Giang trường lệ, Sóng Bạch Đằng, Tạo hoá và Nhân loại của Minh Tuyền, Ngọc Hân của Tân Phương, Lê Lai đổi áo của Lưu Quang Thuận, v.v… đã được Tri tân đăng tải. Trên tạp chí này cũng thường đăng những thiên du ký, nhất là những du khảo điền dã, kể về những cuộc viếng thăm các di tích lịch sử (Tức Mạc, Kiếp Bạc, chùa Bà Đanh, miếu Hát, Hoa Lư, tháp Bình Sơn, chùa Bối Khê ở miền Bắc, di tích Indrapura Đồng Dương, đền thờ Thiên Ya Na ở miền Trung, gò Ốc Eo, mộ Cử Trị ở miền Nam). Có thể nói Tri tân đã kích thích và giành “đất’” cho sự phát triển mảng sáng tác về đề tài lịch sử ở văn học Việt Nam những năm 1940, một khuynh hướng không đặc trưng ở sự nhạy bén đáp ứng văn hoá đô thị hiện đại hoá đương thời, nhưng đặc trưng ở tinh thần “tìm nguồn”, “về nguồn” trong đề tài văn học.

Đặt trong đời sống văn hoá đương thời, Tri tân đã tồn tại được trên thị trường báo chí từ 1941 đến 1946 tức là đã có được một lớp độc giả nhất định,(2) đã quy tụ được một loạt tác giả ở khắp ba miền đất nước.

Tuy vậy, ngay đương thời, trước một lớp thanh niên tân học thường hướng về sinh hoạt đô thị hiện đại, hướng về văn hoá văn chương Pháp, tạp chí Tri tân không khỏi bị một số người công kích là thủ cựu, gàn dở. Nhiều nhà văn nhà thơ trẻ đương thời giữ khoảng cách “kính nhi viễn chi” với tạp chí này, thậm chí không ít người thường chế diễu Tri tân là tờ báo “của các vị tờ A tờ B”,(3) − đây là theo hồi ức của Tô Hoài, khi ấy là một nhà văn trẻ. Những người cộng sản hoạt động trong bí mật, vào năm 1943 đã quyết định mở rộng phạm vi tranh đấu của mình sang lĩnh vực văn hoá bằng “Đề cương về văn hoá Việt Nam”. Một trong những lãnh tụ của đảng, ông Trường Chinh, khi giải thích ba khẩu hiệu “dân tộc hoá, khoa học hoá, đại chúng hoá” như phương châm vận động văn hoá mới do đảng đề xuất, tuy xác nhận nhóm Tri tân “thiên trọng về khẩu hiệu dân tộc hoá”, tức là có chỗ gần gũi với ba nguyên tắc đảng vừa đề ra, nhưng lại phê phán Tri tân là “phong kiến”, “nệ cổ”.(4) Những đại diện của nhóm Văn hoá Cứu quốc (thuộc Mặt trận Việt Minh) là Nguyễn Hữu Đang và Nguyễn Đình Thi, khi vận dụng đề cương nói trên của đảng để phân tích thực trạng văn hoá Việt Nam đương thời, đã xem nhóm Tri tân là tiêu biểu cho xu hướng “tái sinh văn hoá phong kiến” với tính chất “bảo thủ, thụt lùi” trong văn hoá Việt Nam những năm 1940, thậm chí mỉa mai rằng Tri tân “có công đầu” trong việc quảng cáo cho khẩu hiệu “Việt Nam hoá” trong văn hoá, “đi tìm những gì là ‘Việt Nam’ là ‘Á Đông’ trong tư tưởng, trong văn chương, trong nghệ thuật, để rồi nhắm mắt phụng thờ, dù những giá trị gọi là Việt Nam ấy cản trở cuộc tiến hoá của dân tộc”, tựu trung là rơi vào âm mưu của phát-xít Nhật với thuyết đại Đông Á của chúng.(5) “Những tác phẩm và những bài nghiên cứu các chiến công oanh liệt của những anh hùng cứu quốc thời xưa không phải để kích thích và nung nấu tinh thần quật khởi mà, trái lại, để hòng chia rẽ hai dân tộc Hoa-Việt khỏi thành một khối duy nhất chống phát-xít. Đại biểu cho phong trào này là nhóm Tri tân”.(6)

Mặc dầu về khách quan, tạp chí Tri tân đã góp phần không nhỏ vào việc gây dựng lại tinh thần phục hưng dân tộc, chuẩn bị về tinh thần, tư tưởng cho thế hệ thanh niên sẽ tham gia cách mạng và kháng chiến cứu nước,(7) nhưng sau thắng lợi của cách mạng tháng Tám 1945, chính tạp chí Tri tân lại tỏ ra không thích hợp trong đời sống văn hoá những năm đầu dưới chính thể mới. Cuối tháng 11/1945, tạp chí ngừng lại sau số 212. Nửa năm sau, vào giữa tháng 6/1946, Tri tân loại mới ra mắt số 1 bằng chuyên về Nam Bộ đất Việt Nam do Long Điền biên tập; mười ngày sau ra tiếp số 2, rồi sau đó ngừng hẳn. Hầu hết những người chủ trương Tri tân hoặc từng cộng tác với tuần san này đều hăng hái tham gia các hoạt động kháng chiến kiến quốc.

Trong khi đó, những gì mà Tri tân với các thành viên và cộng tác viên của nó đã làm, thì hoặc là bị lãng quên, hoặc chỉ được nhắc tới trong chiều hướng phê phán.

Cố nhiên phải nhận rằng, trong khoa học xã hội và nhân văn ở Việt Nam, đề tài về lịch sử hoạt động của những tờ báo, tạp chí từng có vai trò trong từng thời gian lịch sử của xã hội và văn hoá Việt Nam, cho đến tận gần đây, vẫn chưa trở thành đối tượng nghiên cứu chuyên biệt của các công trình nghiên cứu sử học. Các tác giả, tác phẩm văn học thường chỉ được giới nghiên cứu văn học tiếp cận ở dạng tách rời môi trường báo chí và sách in vốn là nơi chúng xuất hiện và đến với công chúng. Trong tình trạng các thiết chế đặc trưng cho hoạt động văn học hiện đại (ít nhất đối với Việt Nam từ cuối thế kỷ XIX đầu XX) là báo chí và xuất bản còn chưa lọt vào trường nhìn của giới nghiên cứu, thì không chỉ Tri tân mà một loạt tờ báo, tạp chí, nhà xuất bản từng góp sức đáng kể vào đời sống văn hoá, văn học những thời gian khác nhau, đôi khi chỉ còn xuất hiện như những ký tự mờ nghĩa, đến nỗi cái tên cũng bị nhớ sai viết sai, trong phần ghi chú của một số bài vở nghiên cứu, thông tin.

Bước vào những năm 1990, do nhiều thúc đẩy khác nhau: chuyển biến của đời sống kinh tế, sự xuất hiện và phát triển của kinh tế du lịch, sự phát triển đột biến của báo chí và các phương tiện truyền thông, những thay đổi ít nhiều về quan điểm đánh giá đối với một số triều đại (ví dụ nhà Mạc, nhà Hồ, nhà Nguyễn) và một số giá trị của quá khứ dân tộc (ví dụ việc thờ phụng gắn với tín ngưỡng dân gian hoặc tôn giáo…) từ phía lãnh đạo Đảng và cơ quan quản lý của Nhà nước, sự phát triển của các cơ sở nghiên cứu, bảo tồn văn hoá và các ngành học xã hội nhân văn ở bậc đại học, v.v… − các thực thể lịch sử văn hoá của quá khứ dần dần thoát khỏi sự kỳ thị, có thể được tiếp cận tìm hiểu khai thác dễ dàng hơn. Tuy vậy, cũng từ đây, người ta mới nhận ra rõ ràng hơn về tình trạng hư nát, mất mát trầm trọng các nguồn tư liệu tại các trung tâm lưu trữ lớn hoặc nhỏ. Công việc sưu tập, bảo tồn được đặt ra với những đối tượng tư liệu cụ thể.

Với riêng tạp chí Tri tân, đã thấy xuất hiện một cuốn biên khảo kê biên phân tích mục lục tạp chí này và vài ba sưu tập khai thác vốn bài vở đã đăng trên Tri tân, đó là:

− Mục lục phân tích tạp chí TRI TÂN 1941-45, Hồng Nhuệ Nguyễn Khắc Xuyên biên soạn, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam xb., Hà Nội, 1998.

− Ứng Hòe Nguyễn Văn Tố: Đại Nam dật sử. Sử ta so với sử Tàu /Hà Văn Tấn giới thiệu/ Hội Khoa học lịch sử Việt Nam xb., Hà Nội, 1997; 523 trang 20x14cm.

− Tạp chí “Tri tân” 1941-45: Phê bình văn học. Sưu tập tư liệu /Trịnh Bá Đĩnh và Nguyễn Hữu Sơn sưu tầm và biên soạn/ Hà Nội: Nxb. Hội Nhà Văn, 1999; 619 trang 20x14cm.

− Tạp chí “Tri tân” 1941-45: Truyện và ký. Sưu tập tư liệu/ Lại Nguyên Ân và Nguyễn Hữu Sơn sưu tầm và biên soạn/ Hà Nội: Nxb. Hội Nhà Văn, 2000; 884 trang 20x14cm.

− Tạp chí Tri tân 1941-46: Các bài viết về lịch sử và văn hóa Việt Nam /Nguyễn Quang Ân, Phạm Đình Nhân, Phạm Hồng Toàn sưu tầm và tuyển chọn/ Hà Nội: Trung tâm thông tin tư liệu lịch sử & văn hóa VN xb., 2000; 591 trang 27x19cm.

Tuy vậy, các sưu tập trên đây cũng chỉ mới khai thác một phần nhỏ so với dung lượng bài vở các loại mà Tri tân đã đăng tải trong suốt hơn 5 năm hoạt động của nó. Ấy là chưa kể đến những sai lệch có thể phát sinh trong quá trình thực hiện các sưu tập.

Trong điều kiện kỹ thuật hiện nay, thiết nghĩ sẽ là tốt hơn nếu chúng ta có thể đưa tới cho mỗi ai cần tìm tòi một sưu tập đầy đủ tạp chí Tri tân dưới dạng ảnh chụp từng trang của tất cả các số tạp chí đã in. Đĩa CD Tri tân này do Viện Viễn Đông Bác Cổ Pháp thực hiện, chính là theo hướng đó.

Đây sẽ là cơ sở cho các nhà nghiên cứu thuộc các chuyên ngành khoa học xã hội và nhân văn khác nhau tiếp cận kỹ lưỡng nhất ở mức có thể đối với những gì từng đăng tải trên tạp chí Tri tân.

Trân trọng giới thiệu cùng các bạn.

Hà Nội, ngày 20/9/2008

Lại Nguyên Ân

Labels: